TP.HCM sẽ quy hoạch lại quỹ đất xây nhà ở xã hội

TP.HCM sẽ quy hoạch lại quỹ đất xây nhà ở xã hội

Ngày đăng: 09/08/2024 04:17 PM

    Sở Xây dựng vừa có tờ trình đề nghị xây dựng Quy định về quy trình phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội (NƠXH) ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại.

    TP.HCM sẽ quy hoạch lại quỹ xây nhà ở xã hội
    TP.HCM sẽ quy hoạch lại quỹ xây nhà ở xã hội. Ảnh: NC

    Chỉ tiêu phát triển 35.000 căn NƠXH

    Theo Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2003, TP đã có chủ trương yêu cầu chủ đầu tư các dự án nhà ở hoặc khu đô thị phải dành quỹ đất trong dự án nhà ở hoặc khu đô thị để xây dựng nhà ở dành cho đối tượng có thu nhập thấp.

    Đến khi Luật nhà ở năm 2005 và năm 2014 có hiệu lực thi hành cùng với các Nghị định triển khai đi kèm (Nghị định 90/2006/NĐ-CP, Nghị định 71/2010 NĐ-CP, Nghị định 188/2013/NĐ-CP, Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP), TP.HCM cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại dành quỹ đất trong dự án để xây dựng NƠXH theo các quy định pháp luật tương ứng của từng thời kỳ.

    Bên cạnh đó, TP đã và đang ưu tiên sử dụng các quỹ đất do nhà nước quản lý để kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án NƠXH độc lập. Trên cơ sở đó, tại TP.HCM đã hình thành quỹ đất xây dựng NƠXH khá nhiều trong thời gian qua.

    Cụ thể, UBND TP đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 với chỉ tiêu phát triển 35.000 căn NƠXH đi kèm. TP đã báo cáo Bộ Xây dựng danh mục dự kiến các dự án NƠXH độc lập và NƠXH tại quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại đến để triển khai theo đề án phát triển khoảng một triệu căn NƠXH của Chính phủ đến năm 2030.

    Nhiều bất cập trong quy hoạch

    TP.HCM đã đặt ra mục tiêu để phát triển NƠXH trên địa bàn, tuy nhiên, theo Sở Xây dựng TP.HCM, qua tổng hợp các dự án, khu đất NƠXH trên địa bàn TP đã cho thấy có nhiều điểm bất cập.

    Trong đó có tình trạng phân bổ không đồng đều các dự án NƠXH trên địa bàn TP, cụ thể là thừa tại các khu vực các quận, huyện nơi có nhiều dự án nhà ở thương mại nhưng thiếu tại các khu vực vùng ven, nông thôn, khu vực nơi ít có dự án nhà ở thương mại.

    "Một trong những điểm bất cập trong phát triển NƠXH ở TP.HCM là vẫn còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, diện tích đất điều tiết không đủ diện tích tối thiểu để đầu tư được một khối nhà ở xã hội độc lập đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng hiện hành.

    Thiếu kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông công cộng lớn của TP để thu hút đối tượng NƠXH đến ở. Không phát huy được sự chủ động, linh hoạt của địa phương trong việc quản lý, bố trí quỹ đất NƠXH nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chỉ tiêu dân số, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, đảm bảo an sinh xã hội"- báo cáo của Sở Xây dựng TP nêu rõ.

    Ngoài ra, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp thực hiện việc dành quỹ đất 20% NƠXH theo hình thức đối phó. Phần diện tích nhà ở thương mại thì được triển khai xây dựng nhanh để bán thu được lợi nhuận, còn phần diện tích nhà ở xã hội thì kéo dài công tác bồi thường hoặc chậm triển khai, dẫn đến các mục tiêu phát triển NƠXH của Nhà nước không thực hiện được.

    Nhiều quỹ đất NƠXH nằm trong những dự án nhà ở cao cấp dẫn đến các chi phí quản lý vận hành tòa nhà, quản lý hạ tầng kỹ thuật, chi phí các dịch vụ thiết yếu, tiện ích đi kèm trong các dự án này sẽ rất cao, ngoài khả năng chi trả của đối tượng NƠXH. Điều này làm cho kiến trúc, cảnh quan, không gian chung của cả dự án nhà ở thương mại không đồng bộ, thiếu mỹ quan, giảm hiệu quả đầu tư.

    Hiện giá bán NƠXH tại các khu vực trung tâm TP có thể được đẩy lên quá cao, không phù hợp với khả năng thanh toán của đối tượng lao động thu nhập thấp. Trong trường hợp giảm giá bán NƠXH xuống thấp cho phù hợp với thu nhập của người lao động thì doanh nghiệp cần phải cắt giảm chi phí, điều này dẫn đến việc phải cắt bớt các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, tiện ích...

    Từ những bất cập nêu trên, Sở Xây dựng TP cho rằng rất cần sắp xếp, cân đối, điều chỉnh với các quỹ đất xây dựng NƠXH trước đây đã có để quỹ đất NƠXH được tập trung, có quy mô lớn, vị trí thuận lợi giao thông công cộng, phù hợp nhu cầu của từng khu vực.

    Bài viết liên quan

    Xây dựng Hoà Bình báo lãi đạt đỉnh

    Xây dựng Hòa Bình ghi nhận hơn 684 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao nhất từ trước đến nay nhưng chủ yếu do hoàn nhập chi phí và thu nhập khác.

    Kỹ thuật Cơ điện – Chuyên ngành quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước

    Trong thời kỳ hội nhập kinh tế và xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động, mạnh mẽ trong khu vực. Chúng ta đang đẩy mạnh việc ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng các khu công nghệ, khu công nghiệp hiện đại với nhiều dây chuyền sản xuất có tính tự động hóa cao. Để đáp ứng được mục tiêu đó cần có nguồn nhân lực chuyên môn sâu về lĩnh vực Kỹ thuật cơ điện, từ đó tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại đáp ứng được các yêu cầu sản xuất.